Có bao giờ bạn tự hỏi bản thân khi nào là lúc bạn cảm thấy thật chênh vênh giữa lòng Sài Gòn hay chưa?
Là lúc thấy giữa tâm dịch như vậy mà mình không thể ở gần ba mẹ?
Là lúc thiếu vắng ai đó hỏi thăm dạo này có khỏe không, khu em ở sao rồi, đồ ăn vẫn đủ chứ?
Hay là khoảng thời gian ngồi nghiệm lại mình đã làm được gì, có hết lòng với ước mơ của mình hay chưa?
Còn với Trăng Khuyết có lẽ là lúc ngồi đọc những dòng tin nhắn mà mọi người gửi đến hộp thư hằng ngày, đó là cảm giác bất lực, quặn lòng. Trăng Khuyết biết rằng chúng mình còn may mắn hơn cả hàng triệu những con người đang phải đối diện, đương đầu với bệnh dịch ngoài kia.
Người ta thường nói: “Sài Gòn hoa lệ”, bây giờ ngồi ngẫm lại mới thấy thấm đẫm ý nghĩa của câu nói ấy. Đúng vậy! Sài Gòn thật hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. Cuộc sống này vốn dĩ sẽ khó khăn hơn chúng ta tưởng, không thể lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc. Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy đau thương, có những lúc muốn rơi nước mắt và gục ngã. Thế giới này đầy hỗn loạn và phức tạp, mỗi bước đi đều khiến chúng ta phải đắn đo vì không biết làm sao cho đúng, cho không lầm đường. Nhưng với những nỗi đau và sự mất mát do dịch bệnh Covid đem đến thì không ai mong muốn cả.
Sài Gòn đang bước vào mùa mưa. Cứ cuối chiều những cơn mưa tầm tã trút xuống, người Sài Gòn lại chật vật hơn trong cuộc sống mưu sinh. Dòng người cứ hối hả đi qua những người lớn tuổi không nơi nương tựa lại phải nuôi người thân đang cố gắng kiếm từng đồng. Hình ảnh ấy đến chính chúng ta khi vô tình đi qua một số phận kém may mắn nào đó, nhìn lại cũng thấy nghẹn ngào, xúc động và tự trách tại sao không nán lại một lát.
Những giây phút nghẹn lòng và cuộc sống mưu sinh đầy vất vả vào cái tuổi xế chiều
Hàng ngày, trên những con phố, khu chợ, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ ông, cụ bà ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn phải oằn mình mưu sinh. Hoàn cảnh khó khăn, họ không ngại nắng mưa, làm đủ mọi công việc mong kiếm được dăm ba đồng trang trải cuộc sống.
Ở tuổi 71, lẽ ra phải được thảnh thơi, an dưỡng tuổi già, đầm ấm bên con cháu thì cụ Lê Tấn Tài, bị khuyết tật liệt cả hai chân hằng ngày vẫn tất tả bươn chải, còng lưng lặn lội bán vé số. “ Khổ lắm cô ơi!!! Đi bán trời nắng muốn té xỉu luôn vậy. Bữa nào cũng 12 giờ đêm mới về, có bữa một hai giờ sáng, bốn giờ sáng cũng bán luôn. Chớ không bán hết lấy tiền đâu mà ăn”, nghe những chia sẻ của cụ mà chúng mình không khỏi chạnh lòng và xót xa.
Mặc dù hai chân đã bị liệt nhưng nụ cười phúc hậu của cụ dường như có khả năng truyền tải một nguồn năng lượng tích cực đến người đối diện, khiến cho đội tình nguyện của Trăng Khuyết cảm thấy phấn chấn và ấm lòng hơn cả. Điều đó như tiếp thêm cho chúng mình những nguồn động lực to lớn để có thể tiếp tục chặng đường thiện nguyện phía trước không biết bao giờ mới dừng lại.
Nhiều người gọi bán vé số là nghề bán giấc mơ triệu phú, bán hi vọng cho bao người muốn đổi đời. Bất kể nắng mưa, ngày cũng như đêm, họ đi khắp mọi ngả đường, mời chào từng tấm vé số. Nhưng chắc ai cũng biết rằng đó là nghề của hàng vạn người nghèo. Sau mỗi tấm vé số bán được là những mảnh đời, những câu chuyện đầy mồ hôi, nước mắt nhưng chan chứa tình người.
Và trường hợp của cụ Lê Tấn Tài là một minh chứng hết sức điển hình. Có lẽ Trăng Khuyết đã giúp đỡ không biết bao nhiêu hoàn cảnh, cũng đồng hành với rất nhiều những số phận bi thương nhưng với cụ Lê Tấn Tài thì rất khác. Cụ cho Trăng Khuyết thấy sự lạc quan, điều Trăng Khuyết cảm thấy vô cùng đáng khâm phục ở cụ đó là tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu dần nhưng bất kể nắng mưa cụ đều đi bán vé số đều đặn mỗi ngày. Nhưng khi từ Sài Gòn trở dịch khiến cụ phải ngừng công việc bán vé số.
Tuy những món quà hay sự sẻ chia của Trăng Khuyết đến với cụ không phải là quá nhiều nhưng Trăng Khuyết hy vọng sẽ đem đến cụ những hơi ấm của tình người, hy vọng những món quà tuy nhỏ bé ấy có thể giúp cụ có thêm sức mạnh và nghị lực chống chọi với dịch bệnh.
“Nếu bạn không thể có được một điều kỳ diệu hãy biến mình thành điều kỳ diệu”